
Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc
Ngày 1 tháng 7 năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử tại Việt Nam khi các chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động, bãi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn quốc. Sự thay đổi này nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Những chính sách mới từ 1/7/2025 này hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi trên mọi lĩnh vực, từ hành chính công, kinh tế đến đời sống xã hội. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về những thay đổi quan trọng này để nắm bắt thông tin và chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn mới.

Trong không khí vui mừng đó TVU – Đại Học Số xin gửi đến sinh viên bài viết dựa trên đề thi Ngữ văn THPT 2025. Bài viết dưới góc nhìn của một người con quê hương Vĩnh Long thân yêu, xin mời bạn đọc cùng xem qua.
“Tổ quốc là tiếng gọi thiêng liêng, cội nguồn của cảm xúc, niềm tự hào và trách nhiệm công dân. Mỗi người sinh ra đều có một quê hương – nơi có dòng sông chảy qua tuổi thơ, có hàng cau đầu ngõ, có mái trường cũ in dấu bàn chân, mâm cơm mẹ nấu bình yên qua giông bão. Tất cả những điều bình dị gắn bó với máu thịt đã góp phần tạo nên hình hài đất nước. Trong dòng chảy thời sự hôm nay, khi đất nước sắp xếp lại các đơn vị hành chính, câu nói: “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” chuyên chở ý nghĩa tình cảm và còn là một lời khẳng định chắc nịch về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như trách nhiệm của mỗi công dân với nơi mình sinh ra và nơi mình đang sống.
“Quê hương là gì hở mẹ, mà cô dạy phải yêu?” – câu thơ mở đầu trong bài “Quê hương” của Đỗ Trung Quân đã trở thành lời chất vấn hồn nhiên, nhưng đầy ám ảnh của một đứa trẻ về mảnh đất nơi mình sinh ra. Câu hỏi ấy gợi nhắc cho mỗi chúng ta về sự hình thành tình yêu quê hương từ những năm tháng đầu đời, từ mái trường, lời ru, từ câu dạy ban sơ của người mẹ. Khi lớn lên, ta mới hiểu: yêu quê hương không chỉ là tình cảm mà là một phần không thể tách rời khỏi bản sắc dân tộc và trách nhiệm công dân.
“Vùng trời quê hương” là khái niệm gợi đến không gian sống cụ thể – đó có thể là một xóm làng nhỏ ven sông, một miền cát trắng nơi duyên hải miền Trung, một cao nguyên mù sương hay một thành phố công nghiệp hiện đại. Dù khác nhau về địa lý, khí hậu hay đặc điểm dân cư, tất cả những vùng trời ấy đều là nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa, truyền thống và cả những câu chuyện riêng gắn bó với mỗi con người. Trong khi đó, “bầu trời Tổ quốc” là biểu tượng bao quát và thiêng liêng, đại diện cho toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và sự thống nhất về mặt chính trị, văn hóa và tinh thần.
Câu nói “Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” nhấn mạnh rằng không có vùng đất nào là ngoại vi, không có miền quê nào là nhỏ bé trong tổng thể vĩ đại của đất nước. Bất cứ nơi nào có con người Việt Nam sinh sống, làm việc và gìn giữ phong tục, đạo lý, nơi ấy chính là một phần không thể thiếu trong hình hài Tổ quốc. Tư tưởng này thể hiện quan điểm toàn diện và tiến bộ: lấy nhân dân làm gốc, lấy từng địa phương làm nền tảng cho phát triển quốc gia. Bởi vậy, mọi chính sách, quy hoạch lãnh thổ, phát triển vùng miền cần đặt trong tư duy “thống nhất trong đa dạng” – bảo tồn tính bản địa nhưng không cục bộ, đề cao bản sắc nhưng gắn với lợi ích chung.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng phát biểu trong một hội nghị về sắp xếp đơn vị hành chính: “Việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa… không chỉ xét diện tích và dân số, mà còn phải nhìn vào truyền thống, văn hóa, điều kiện địa lý, bản sắc dân tộc…” Câu nói ấy không chỉ là chỉ đạo hành chính mà còn là lời nhắc nhở về sự kết nối giữa hồn quê và hồn nước.
“Vùng trời quê hương” là khái niệm gợi đến không gian sống cụ thể – đó có thể là một xóm làng nhỏ ven sông, một miền cát trắng nơi duyên hải miền Trung, một cao nguyên mù sương hay một thành phố công nghiệp hiện đại. Dù khác nhau về địa lý, khí hậu hay đặc điểm dân cư, tất cả những vùng trời ấy đều là nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa, truyền thống và cả những câu chuyện riêng gắn bó với mỗi con người. Trong khi đó, “bầu trời Tổ quốc” là biểu tượng bao quát và thiêng liêng, đại diện cho toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, và sự thống nhất về mặt chính trị, văn hóa và tinh thần.
Qua lăng kính văn học nghệ thuật – nơi những tác phẩm văn chương đã khắc họa rõ nét mối liên hệ máu thịt giữa con người và mảnh đất mình sinh ra. Trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ đã khẳng định: “Đất là nơi anh đến trường, nước là nơi em tắm”, cho thấy Tổ quốc hiện hữu trong từng sinh hoạt thường ngày, từng vùng trời thân quen của tuổi thơ mỗi người. Tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long lại khắc họa hình ảnh người kỹ sư trẻ tình nguyện làm việc giữa mây mù núi rừng Tây Bắc – một “vùng trời lặng lẽ” nhưng giàu ý nghĩa đóng góp cho đất nước. Còn trong truyện ngắn “Những vùng trời khác nhau” của Nguyễn Minh Châu, nhà văn đã xây dựng hình ảnh những con người thuộc nhiều vùng miền khác nhau – từ miền Bắc vào Nam – mỗi người mang trong mình ký ức, văn hóa và trải nghiệm rất riêng họ cùng gặp nhau dưới một bầu trời chung của lý tưởng và trách nhiệm. Qua cuộc gặp gỡ của những người lính trong chiến tranh, nhà văn khẳng định rằng dù đến từ đâu, mỗi người đều góp phần dệt nên tình yêu Tổ quốc – phong phú, đa thanh và gắn bó sâu sắc với bản sắc riêng. Câu chuyện ấy như một ẩn dụ văn chương rõ rệt cho luận đề: mỗi vùng trời quê hương đều có chỗ đứng không thể thiếu trong bầu trời chung của dân tộc. Hình ảnh người kỹ sư trẻ tình nguyện làm việc giữa mây mù núi rừng Tây Bắc – một “vùng trời lặng lẽ” nhưng giàu ý nghĩa đóng góp cho đất nước. Trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, ta bắt gặp hình ảnh vùng biển miền Trung – nơi không chỉ có sóng gió mà còn là nơi con người đấu tranh để giữ gìn phẩm giá, bảo vệ lẽ phải. Những vùng trời trong văn chương tuy khác nhau về cảnh trí, văn hóa, nhưng đều là bầu trời của những con người mang trong mình lý tưởng sống vì cộng đồng, vì đất nước. Tất cả như những minh chứng sáng rõ cho mạch ngầm tư tưởng xuyên suốt: mỗi vùng quê, mỗi mảnh đất đều là hiện thân của Tổ quốc.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng phát biểu trong một hội nghị về sắp xếp đơn vị hành chính: “Việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa… không chỉ xét diện tích và dân số, mà còn phải nhìn vào truyền thống, văn hóa, điều kiện địa lý, bản sắc dân tộc…” Câu nói ấy không chỉ là chỉ đạo hành chính, mà còn là lời nhắc nhở về sự kết nối giữa hồn quê và hồn nước.
Trong bối cảnh thế giới hiện đại đang phải đối mặt với nguy cơ xung đột cục bộ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy và những cuộc chiến tranh biên giới, chiến tranh tôn giáo âm ỉ kéo dài, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam càng trở nên quý giá và nổi bật. Đó là tinh thần đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua mọi cuộc chiến tranh xâm lược, đi lên từ đống tro tàn để dựng xây một đất nước hoà bình, ổn định, có chủ quyền vững chắc. Chính đại đoàn kết – gắn bó keo sơn giữa các vùng miền, giữa các dân tộc – là nền tảng bền vững của một Tổ quốc thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công, đại thành công.” Ngày nay, tinh thần ấy tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc khẳng định “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” cũng là cách để nuôi dưỡng tinh thần đại đoàn kết, để mọi người dân – dù ở miền núi hay đồng bằng, thành thị hay nông thôn – đều nhận ra trách nhiệm và quyền lợi chung trong một mái nhà Việt Nam hòa bình, phát triển bền vững.
Tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay chính là sợi dây vô hình nhưng bền chặt, kết nối mọi vùng đất, mọi thế hệ lại với nhau. Từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đứng lên vì một xóm làng đến những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biết bao người con của các vùng quê nhỏ bé đã hiến dâng tuổi thanh xuân và xương máu vì độc lập dân tộc. Hy sinh cái cá nhân vì cái chung của đất nước, nhà thơ Giang Nam đã từng đứt từng đoạn ruột khi thốt lên:
“Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi”
(Quê Hương – Giang Nam)
Để ngày nay, trong không khí 50 năm non sông liền một dải, khúc nhạc tự hào và sướng vui trong hòa bình vang lên: “Máu đỏ da vàng, tôi là người Việt Nam” “Để cho đất nước yên vui từ đó, để cho đỏ thắm màu cờ tự do”
Trong thời bình, lòng yêu nước ấy vẫn âm thầm thể hiện trong từng hành động: giữ gìn truyền thống, phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường, nâng cao dân trí. Đó là tình yêu nước được cụ thể hóa bằng việc yêu từng tấc đất mình sống, từng cộng đồng mình thuộc về. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” điều đó bắt đầu từ những gì thiêng liêng nhất. Chính từ vùng trời quê hương – nơi khởi phát của nghĩa tình và bổn phận – mà tinh thần yêu nước Việt Nam đã tỏa sáng rạng ngời suốt chiều dài lịch sử.
Từ những cao nguyên đá Hà Giang đến đảo xa Trường Sa, từ vùng biên giới Tây Bắc đến rẻo đất Cà Mau – mỗi vùng quê, mỗi mảnh đất Việt Nam đều mang trong mình giá trị lịch sử, địa chính trị và văn hóa đặc sắc. Dù có thể chưa phát triển đồng đều về kinh tế, nhưng từng vùng trời quê hương ấy là những phần tử sống động, không thể thiếu trong kết cấu thiêng liêng của Tổ quốc.
Ở nơi địa đầu phía Bắc, những đồn biên phòng trên dãy Trường Sơn Đông vẫn ngày đêm gìn giữ biên cương, bảo vệ từng mốc giới, từng nhành lau ngọn cỏ. Lời của vua Lê Thánh Tông từng nói với triều thần đã được ghi rõ trong Đại Việt Sử ký toàn thư: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. Câu nói ấy không chỉ là nguyên lý bất biến của chủ quyền, mà còn là lời nhắc nhở mỗi người dân: vùng trời quê hương mình đang sống chính là một phần của Tổ quốc cần bảo vệ.
Ở cực Nam, Cà Mau đang chuyển mình mạnh mẽ với mô hình điện gió, phát triển thủy sản bền vững. Người dân quê biển đã không ngừng đổi mới, giữ vững ngư trường truyền thống – đồng thời góp phần vào an ninh biển đảo. Những ngư dân ấy là “chiến sĩ khoác áo vải”, đưa lá cờ Tổ quốc ra khơi như một lời khẳng định: đây là vùng biển quê tôi, cũng là lãnh hải Việt Nam.
Ở vùng Trung du Bắc Bộ, nông nghiệp công nghệ cao đang biến các huyện miền núi nghèo như Sơn La, Bắc Kạn, Yên Bái… thành vùng sản xuất lớn của cả nước. Những người trẻ không “ly nông, ly hương” mà ngược lại, đang “hồi hương khởi nghiệp”, mang tri thức mới trở về để kiến tạo sự phát triển. Đây là minh chứng hùng hồn cho điều Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Tâm lý về quê hương là đúng, nhưng chúng ta phải vì phát triển chung. Sáp nhập để tạo đà phát triển, chứ không phải để mất đi bản sắc.”
Chúng ta cũng không thể quên những huyện đảo như Lý Sơn, Phú Quý, Trường Sa – nơi mỗi ngày, các chiến sĩ Hải quân vẫn sống, chiến đấu và ngước nhìn một vùng trời quê hương giữa đại dương mênh mông. Vùng trời ấy không chỉ có cột mốc chủ quyền, mà còn là quê hương của những đứa trẻ sinh ra trên đảo, đi học dưới mái trường có lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa gió biển.
Từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến núi cao, từ làng nghề truyền thống đến khu công nghiệp hiện đại – mỗi vùng quê là một mảng màu tạo nên bức tranh Tổ quốc. Những vùng trời khác nhau nhưng đều có chung một bầu trời Việt Nam.
Trong bối cảnh đất nước thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy và tăng hiệu quả điều hành, tư tưởng trong tác phẩm càng trở nên gần gũi và thiết thực. Nó khẳng định rằng việc tổ chức lại địa giới hành chính không đồng nghĩa với việc xóa bỏ ký ức vùng miền, mà ngược lại, càng cần trân trọng và phát huy bản sắc từng vùng đất để làm giàu cho diện mạo thống nhất của quốc gia.
Trong dòng chảy hiện đại hóa và toàn cầu hóa, không ít người trẻ mang trong mình một cái nhìn thiên lệch về quê hương – coi nơi mình sinh ra là vùng quê nghèo, lạc hậu, là “vùng trũng” của phát triển, từ đó sinh tâm lý chối bỏ nguồn cội hoặc chỉ xem đó là chốn tạm dung. Đây là một quan niệm cần được nhìn nhận lại.
Bởi lẽ, như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng viết: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.” Quên đi vùng đất mình sinh ra không chỉ là đánh mất ký ức mà còn là đánh mất căn cước văn hóa, đánh mất sự trưởng thành toàn vẹn trong tâm hồn.
Quê hương có thể nghèo về vật chất nhưng giàu về lịch sử, văn hóa và tình người. Chính những nơi ấy đã nuôi lớn ta, trao cho ta những giá trị căn bản để đi xa. Nếu ai cũng rời bỏ vùng quê vì muốn tìm kiếm “bầu trời mới” thì ai sẽ gìn giữ, phát triển những bầu trời Tổ quốc vốn đã gắn bó với biết bao thế hệ?
Không hiếm người thành đạt quay lưng với quê hương hoặc chỉ về quê với tâm thế của người “lạ” – điều đó không chỉ là sự mất mát về tình cảm mà còn là sự lãng phí nguồn lực xã hội. Trái lại, đã có nhiều tấm gương người trẻ trở về địa phương sau khi học tập, làm việc tại thành phố – họ lập nghiệp với nông nghiệp hữu cơ, khởi nghiệp số, giáo dục cộng đồng… Đó là cách yêu quê hương bằng hành động thiết thực.
Tư tưởng “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” cũng là lời nhắn gửi đến mỗi người dân: dù ta sống ở đâu, làm gì, hãy ý thức rõ vai trò của mình trong sự phát triển và bảo vệ đất nước. Ta không chỉ cần yêu nơi sinh ra, mà còn cần biết trân trọng nơi đang sống, cống hiến để vùng đất ấy trở nên đáng sống hơn.
Trách nhiệm công dân trong thời đại mới không dừng ở lòng yêu nước trong tim, mà cần được thể hiện bằng hành động cụ thể: giữ gìn môi trường, bảo vệ văn hóa bản địa, nói không với tệ nạn, sống tử tế với cộng đồng. Khi mỗi người giữ cho “vùng trời” mình đang sống được trong lành, nhân văn và phát triển – thì đó chính là cách góp phần gìn giữ “bầu trời Tổ quốc”. Bởi như lời ca thấm đẫm tự hào: “Máu đỏ da vàng, tôi là Việt Nam” – khẳng định bản sắc bất biến của dân tộc – và “Để cho đất nước yên vui từ đó, để cho đỏ thắm màu cờ tự do” – như một lời nguyện ước tiếp nối trách nhiệm dựng xây từ thế hệ này đến thế hệ khác.
“Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc” – câu nói không chỉ mang dáng dấp một mệnh đề tư tưởng, mà còn là tiếng gọi tha thiết từ lòng đất nước đến trái tim mỗi con người Việt Nam. Dù ta sinh ra ở đâu – thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi – thì nơi ấy cũng là một phần xương thịt của đất mẹ. Tổ quốc không nằm ở đâu xa mà hiện hữu ngay trong từng con đường làng, từng mái nhà cũ, từng nếp văn hóa quê và từng giọt máu chảy trong người ta.
Khi mỗi người biết yêu quý, gìn giữ và phát triển chính vùng trời mình đang sống, thì đó là lúc Tổ quốc lớn mạnh từ những điều giản dị nhất. Và cũng khi ấy, lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ngân vang trong tâm tưởng chúng ta: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và xây dựng đất nước.”
Hành trình phát triển đất nước là hành trình bắt đầu từ từng ngôi nhà, từng bản làng, từng thửa ruộng và góc phố. Trong thời đại chuyển mình với nhiều biến động, thông điệp này càng có ý nghĩa thiết thực: Đừng để vùng quê chỉ là hồi ức, mà hãy biến nó thành hiện tại sống động, góp phần vào một tương lai chung. Bởi lẽ, chỉ khi những vùng trời quê hương được yêu thương và đầu tư đúng mực, thì bầu trời Tổ quốc mới thật sự tỏa sáng trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau.”

Thông tin liên hệ
Địa chỉ nộp hồ sơ: Phòng B11.204, Khu 1, Trường Đại học Trà Vinh
Địa chỉ: Số 126 Nguyễn Thiện Thành, Khóm 4, Phường Hòa Thuận, Tỉnh Vĩnh Long
Hotline: (0294) 3865.088
Email: [email protected]
Website: tvudaihocso.edu.vn