
Học sinh lớp 12: Làm sao để chọn đúng ngành, đúng nghề!
Chúng ta có đến hàng chục ngàn giờ làm việc trong đời vậy tại sao không dành ít phút để bắt đầu chuẩn bị một kế hoạch nghề nghiệp thật tốt để chủ động cho tương lai. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân và thoát khỏi “vòng xoáy” bế tắc khi đặt bút chọn ngành! Cùng tìm hiểu nhé!

Việc chọn ngành, chọn nghề là bước ngoặt quan trọng, chọn đúng nghề quyết định phần lớn chỉ số hạnh phúc của lực lượng lao động thời đại mới. Tuy nhiên hiện nay, khi đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành vào đại học, không ít bạn trẻ băn khoăn giữa đam mê và nhu cầu xã hội, giữa sở thích cá nhân và định hướng của gia đình dẫn đến gặp khó khăn khi đưa ra lựa chọn đúng đắn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi toàn cảnh thị trường lao động, đặt ra những thách thức và cơ hội mới đồng thời tạo ra thêm không ít sự bối rối cho các bạn học sinh lớp 12.
Hiểu bản thân - Chìa khóa để chọn đúng ngành
Trước khi chọn một ngành học, điều quan trọng nhất là hiểu rõ bản thân. Nhiều học sinh lớp 12 không được định hướng nghề nghiệp sớm thường chọn nghề theo cảm tính, theo số đông hoặc theo mong muốn của cha mẹ mà không thực sự biết mình thích gì, giỏi gì và muốn gì. Điều này có thể dẫn đến việc chán nản, mất động lực và lãng phí thời gian sau này. Vậy làm thế nào để học sinh có thể đưa ra quyết định sáng suốt? Hãy dành 5 phút để thực hiện bài test nhanh ngay bên dưới nhé!

Bước 1: Xác định sở thích và đam mê
Hãy tự hỏi: Mình thích làm gì nhất? Những công việc nào khiến mình cảm thấy hứng thú và không chán nản dù có làm suốt cả ngày? Đam mê là yếu tố quan trọng nhưng nó không phải là tất cả. Bạn cần biết liệu đam mê đó có thể phát triển thành một sự nghiệp lâu dài hay không. Khi thực hiện bước này bạn đừng vội chọn ra ngành nghề mình sẽ theo đuổi chỉ vì có lương cao mà hãy xem xét các yếu tố khác như cơ hội thăng tiến, giá trị của nghề, môi trường làm việc về sau… Ví dụ, bạn yêu thích công việc kế toán nhưng lại không có sự tỉ mỉ và kiên nhẫn hoặc bạn thích làm kế toán nhưng lại chỉ học giỏi môn văn.
Bước 2: Đánh giá năng lực bản thân
Không phải ai yêu thích hội họa cũng có thể trở thành họa sĩ và không phải ai giỏi toán cũng nhất thiết phải làm kỹ sư. Hãy liệt kê những môn học bạn làm tốt, những kỹ năng bạn có và nhận phản hồi từ thầy cô, bạn bè hoặc các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Sau khi hoàn thành bước một, bạn hãy đánh giá xem bạn có phù hợp với yêu cầu của nghề hay không? Giữa yêu thích và phù hợp có một khoảng cách nhất định. Ví dụ, bạn yêu thích công việc hướng dẫn viên du lịch nhưng lại không thích di chuyển nhiều hoặc gặp gỡ quá nhiều người.
Sau khi xác định sở thích và khả năng của mình bạn hãy chọn nghề mà bạn thực sự thích và có thể làm tốt. Mỗi người có một hệ giá trị khác nhau: Có người mong muốn sự ổn định, có người lại khao khát sáng tạo, thách thức. Công việc lý tưởng không chỉ giúp bạn kiếm tiền mà còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống cho chính bạn.
Bước 3: Xác định nhu cầu của xã hội
Theo báo cáo từ các tổ chức kinh tế và giáo dục, những ngành có nhu cầu nhân lực lớn trong 10 năm tới bao gồm:
Chuyên gia AI | Quản lý sản phẩm số |
Kỹ sư học máy | Chuyên gia chuyển đổi số |
Kỹ sư phần mềm | Chuyên viên Digital Marketing |
Nhà khoa học dữ liệu | Content Creator |
Chuyên gia điện toán đám mây | Cố vấn chiến lược số |
Chuyên gia an ninh mạng | Phân tích hành vi người tiêu dùng |
Kỹ sư tự động hóa | Quản lý thương mại điện tử |
Kỹ sư DevOps | Chuyên gia y tế từ xa |
Chuyên viên phân tích dữ liệu | Cố vấn sức khỏe tâm thần |
Bác sĩ công nghệ cao | Thiết kế trải nghiệm học tập |
Kỹ sư công nghệ sinh học | Nhà sáng tạo nội dung giáo dục |
Chuyên viên phân tích gen | Chuyên gia phát triển bền vững |
Chuyên gia Edtech | Luật sư công nghệ |
Cố vấn hướng nghiệp | Nhà hoạt động xã hội số |
Quản lý rủi ro & khủng hoảng. |
Trên đây chỉ là những gợi ý ngành nghề (mang tính chất tham khảo)
Bước 4: Tận dụng sự ủng hộ của người thân
Ý kiến của phụ huynh được xem là một trong những dữ liệu quan trọng để các bạn học sinh tham khảo khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề. Trong số đó có cũng có những quan điểm “lệch pha” giữa cha mẹ và học sinh. Vì vậy, mỗi học sinh cần chủ động và tự quyết định tương lai cho chính mình.
Nếu bạn là học sinh:
- Hãy lắng nghe ý kiến của bố mẹ nhưng cũng cần có chính kiến của riêng mình.
- Trình bày rõ ràng lý do bạn chọn ngành đó, cơ hội nghề nghiệp và cách bạn sẽ phát triển bản thân.
- Chứng minh bằng hành động, tìm hiểu kỹ về ngành học để cha mẹ yên tâm.
Nếu bạn là phụ huynh:
- Hãy đồng hành thay vì áp đặt. Khuyến khích con tìm hiểu kỹ ngành nghề thay vì chỉ ép buộc.
- Đưa ra lời khuyên dựa trên kinh nghiệm nhưng tôn trọng sở thích của con.
- Hỗ trợ con tìm kiếm các khóa học, trắc nghiệm nghề nghiệp, hội thảo định hướng để có quyết định chính xác hơn.
Bước 5: Tôi nên học ở đâu?
Sau khi xác định được ngành nghề phù hợp, bước tiếp theo là chọn trường phù hợp:
- Tìm hiểu chương trình đào tạo: Trường đó có thế mạnh gì? Chương trình học có phù hợp với định hướng của bạn không? Nhà trường có những kiểm định quốc tế không? Các chương trình tiên tiến trên thế giới có đang được nhà trường áp dụng không?
- Cơ hội thực tập, việc làm: Trường có liên kết với doanh nghiệp không? Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là bao nhiêu? Yếu tố này mang tính tham khảo chung, bởi khả năng có việc làm lương cao phụ thuộc vào năng lực của của chính bạn.
- Học phí và cơ hội học bổng: Nếu tài chính là vấn đề lớn, hãy xem xét các trường có học bổng hoặc chương trình hỗ trợ tài chính.

Chọn ngành đúng không phải là tìm ngành hot nhất, lương cao nhất mà là tìm ngành phù hợp nhất với bản thân. Sự nghiệp bền vững được xây dựng từ đam mê, năng lực cá nhân và khả năng thích nghi với thời đại. Hãy chủ động tìm hiểu, chuẩn bị thật tốt để có quyết định đúng đắn và không hối tiếc về sau.
Bạn đã chọn được ngành phù hợp với mình chưa? Nếu còn phân vân chưa biết chọn ngành nào, hướng đi nào phù hợp cho bản thân hãy liên hệ ngay với cán bộ của trường theo thông tin bên dưới nhé! Chúc bạn sớm tìm được ngành nghề phù hợp, sống hạnh phúc và thành công.
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ nộp hồ sơ: Phòng B11.204, Khu 1, Trường Đại học Trà Vinh
Địa chỉ: Số 126 Nguyễn Thiện Thành, phường 5, Thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh
Hotline: (0294) 3865.088
Email: daihocsotvu@rdi.edu.vn
Website: tvudaihocso.edu.vn
Previous post